Tham vấn trị liệu trước nỗi đau người bị lạm dụng

Thứ hai - 12/08/2024 04:54

                                                                                               
Không ai mong muốn bản thân phải tồn tại trong những nỗi đau của quá khứ. Những câu chuyện được tiếp xúc chia sẻ trong hành trình tham vấn phần nào diễn tả những hệ lụy khôn lường đeo bám nạn nhân. Từ đó, những tổn thương không được can thiệp toàn diện sẽ dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực thậm chí lệch lạc về nhận định và xu hướng. Những tổn thương như tiếng gọi của “đại ngàn” cứ thúc giục cá nhân theo những lối mòn của sa ngã lại được ngụy biện bởi các lý lẽ của “nhu cầu”, “tự do”, “công bằng”, “đáp trả”,… Một hành trình nỗ lực của sự khát khao chữa lành sẽ là nguồn cơn cho những gội rửa tâm khảm của những nạn nhân bị lạm dụng chính là cơ hội để bước đi trong hy vọng và tha thứ để can đảm làm lại cuộc đời cũng như dũng khí để đương đầu với những hung thủ ẩn mình.


Với những nạn nhân bị lạm dụng khi đến với tiến trình tham vấn dường như đã rơi vào sự giảm dần của các ý lực tích cực với tương quan cũng như hoạt động sống cách trọn vẹn. Họ thường nghi ngờ thậm chí giảm hẳn những ước muốn tương quan với người có giới tính tương tự kẻ là thủ phạm với mình hoặc cũng có thể tự biến mình thành “con nghiện” để chạy theo những “khoái lạc” thể xác. Do đó, tiến trình can thiệp chính là hành trình can đảm đối diện với những tổn thương trên cả hai bình diện nạn nhân và bị hại. Vì sự đổi vai từ nạn nhân sang thủ phạm rất dễ diễn ra theo sự ngộ nhận về xúc cảm và xu hướng. Đây cũng có thể được ví như một cơ chế “bù trừ” hoặc “phóng chiếu” lên chính mình cũng như người đối diện. Vì thế, can thiệp với những tổn thương liên đới với việc từng bị hoặc có khi chỉ từng chứng kiến chính là một hành trình được tiến hành với đầy đủ cung bậc của cảm xúc, được bao trùm trong mọi khía cạnh của sự tế nhị như một đòi buộc tâm tình kiên nhẫn và can trường đón nhận cũng như bộc lộ từ thân chủ với tham vấn viên. Thật khó để diễn tả hết tâm trạng “sống chung” hay “đương đầu” với tổn thương thì cái nào tích cực hơn với từng bối cảnh năng lượng của người trong cuộc. Do vậy, mọi góc nhìn chia sẻ và thấu cảm của tham vấn trị liệu cũng chỉ là những khoảnh khắc gợi hướng một hướng đi mà chính bản thân thân chủ/ khách hàng mới là người quyết định lựa chọn và sống với chọn lựa đó.

Những tổn thương do những hành vi lạm dụng gây ra thường luôn đi kèm với những góc khuất thậm chí có khi đi kèm với những “cưỡng chế” mang tính áp đặt nạn nhân như những đe dọa được mặc định không thể đủ sức vượt qua cũng như dám mở lòng để có thể trình bày câu chuyện của chính mình. Vì thế, hành trình cùng một “nạn nhân” từng bị lạm dụng dù thể chất hay tinh thần luôn là một hành trình đầy rẫy những cam go mà có khi đi kèm với những quan ngại vì bị ngộ nhận/ xấu hổ của cảm thức tổn thương, tội lỗi/ dơ bẩn nơi chính tâm khảm mà nạn nhân tự mặc lấy rồi dẫn đến trạng thái mặc định. Không ít nạn nhân từng nghĩ sẽ rời bỏ chính cuộc sống này chỉ vì nghĩ “chết … sẽ đóng lại tất cả”. Những trạng thái thế này diễn tả một tâm trạng thật sự bế tắc dường như không còn lối thoát. Ngược lại với những kẻ “thủ phạm” lại là sự đắc thắng dù bề ngoài không hề thể hiện sự ‘ngạo nghễ” ấy. Vì vậy, tiến trình can thiệp thông thường chỉ dừng lại trên nạn nhân còn kẻ thủ ác dường như luôn được ẩn khuất đâu đó. Vì sự tế nhị của câu chuyện và bối cảnh của nền văn hóa đặc thù đã vô tình làm cho nạn nhân dường như bị cô đơn còn kẻ gây án thì vẫn vô can ít nhất trong sự “an toàn” được che dấu trên chính nỗi sợ hãi của nạn nhân cũng như sự truy tầm minh chứng của những hành vi lạm dụng quả là không dễ với những tổn thương thầm kín/ tế nhị.

Hành trình đấu tranh đòi công bằng của những nạn nhân bị lạm dụng thường diễn ra trong trạng thái đơn côi bởi những vấn đề đối diện khó có thể tìm được một nơi tin tưởng để chia sẻ/ trao gửi câu chuyện của chính mình. Vì vậy, hành trình trị liệu khi được kết nối như là một giải pháp vừa có vẻ âm thầm và đi kèm với sự kiên nhẫn sẽ tạo cho nạn nhân từng bị tổn thương của lạm dụng dần dần lấy lại dũng khí để chấp nhận và yêu thương chính mình với tất cả những gì đã diễn ra không phải là một ước muốn dù sự thể có thể do hữu ý hay vô lý. Hành trình trị liệu đồng hành sẽ khơi thông lại sự tái khám phá nỗi đau của tổn thương không phải để hằn sâu thêm nhưng hy vọng sẽ khơi thông tâm thức/ ý lực sống cách mạnh mẽ và tương quan tròn đầy hết mức có thể trước hết hãy yêu mình rồi đến yêu người cách trưởng thành và tự do hơn[2].

Trong hầu hết các cuộc tham vấn trị liệu liên quan lạm dụng dù thể xác hay tinh thần (bao gồm cả lạm dụng tính dục) luôn là một hành trình khó kết nối nhất từ bình diện khách quan lẫn chủ quan. Do đó, sự tương tác của thấu cảm, niềm tin và cả sự buông bỏ để can đảm chính đối diện là tiền đề đầu tiên đòi hỏi từ hai phía phải thật sự thấu đạt cho tiến trình trị liệu thực sự khởi hành. Nỗi đau là điều không ai mong có và lưu giữ nó nhưng câu chuyện cuộc đời qua từng không gian chia sẻ/ trao đổi chính là khơi thông cho những dòng chảy cảm xúc và chấp nhận vượt qua nỗi đau được bắt đầu.
Nguyễn Dũng[1]

 
 

[1] Phòng Y tế& Tham vấn Tâm lý, Trường Đại học Bình Dương
[2] Phạm Toàn, Hướng dẫn chẩn đoán Tâm lý Tâm thần theo DSM – 5, NXB Trẻ, 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây