Tổng hợp và so sánh nội dung

Thứ tư - 04/09/2024 21:33
                                          Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 với Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14
                                 Nghị định 86/2018/NĐ-CP Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục


A/ Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 và Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14
        • Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10; Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 được ban hành tạo hành lang pháp lý chính thức cho hoạt động giáo dục đại học ở Việt Nam đi vào quy củ. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
            Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 có 12 chương với 73 điều bao gồm 303 khoản. Tại Điều 1, nội dung của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học; các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; đội ngũ giảng viên, người học; tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Luật được áp dụng với các trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng/quốc gia, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (Điều 2). Nội dung của Chương 6. Hoạt động hợp tác quốc tế có 06 khoản đề cập đến vấn đề liên kết đào tạo với nước ngoài tại Điều 45.
           • Đến ngày 19 tháng 11 năm 2018, căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13; Luật số 34/2018/QH14 Sửa đổi, bổ sung một số điều (của Luật Giáo dục đại học trước đó) có 03 điều. Tại Điều 1 của Luật số 34/2018/QH14 ngoài sửa đổi nội dung các khoản trong Điều 45 Chương 6 Hoạt động hợp tác quốc tế của Luật 08/2012/QH13, còn bổ sung thêm 02 khoản, cụ thể: Khoản 5 xác định nếu cơ sở giáo dục đại học đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 45 và khoản 2 Điều 32 của Luật 34/2018/QH14 thì được tự chủ liên kết đào tạo trình độ đại học, khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; và tương tự như vậy khi liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ; khoản 8 hàm chứa nội dung cơ sở giáo dục đại học tự liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định hoặc vi phạm điều kiện bảo đảm chất lượng chất lượng giáo dục trong đề án liên kết đào tạo với nước ngoài thì bị đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo, không được tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài trong thời hạn 05 năm kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
 
B/ Nghị định 86/2018/NĐ-CP
Ngày 06 tháng 6 năm 2018, nhằm làm rõ, chi tiết hóa các điều khoản được quy định trong Luật Giáo dục đại học và tạo điều kiện thuận lợi mang tính pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học có thể liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; bao gồm 06 chương, 67 điều với 222 khoản. Trong đó, tại Chương II với nội dung “Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài” có 22 điều (từ Điều 6 đến Điều 27) bao gồm 02 mục: Mục 1. Liên kết giáo dục có 09 điều (từ Điều 6 đến Điều 14) với 25 khoản và Mục 2. Liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có 13 điều (từ Điều 15 đến Điều 27) với 46 khoản. Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 cho đến thời điểm hiện tại.

Nội dung của Nghị định mang tính cập nhật mới nhất để áp dụng vào trong quá trình triển khai liên kết, hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức quốc tế và tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng không áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (Điều 1). Đặc biệt, tại Điều 4, nội dung của Nghị định 86/2018/NĐ-CP yêu cầu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng quy định hiện hành của Việt Nam về bảo đảm chất lượng giáo dục và cơ sở giáo dục thực hiện liên kết giáo dục, đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành của Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tài chính, kế toán và thuế (theo Điều 5).

1/ Hệ giáo dục Mầm non đến Trung học Phổ thông
Tại Điều 6. Đối tượng liên kết giáo dục là các cơ sở giáo dục tư thục từ mầm non cho đến trung học phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
Bàn về chương trình giáo dục, tại Điều 7. Chương trình giáo dục, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo cho rằng: Chương trình giáo dục của nước ngoài đưa vào tích hợp phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại  hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục; phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam. Chương trình tích hợp này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định cụ thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Yêu cầu giáo viên giảng dạy chương trình tích hợp phải là người đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học, phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương; và trình độ ngoại ngữ không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

2/ Hệ đào tạo Đại học đến Tiến sĩ
Mục 2. Liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, tại Khoản 1 Điều 15 có xác định đối tượng liên kết đào tạo các trình độ nêu trên phải là cơ sở giáo dục đại học hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và đã được kiểm định chất lượng giáo dục. Phạm vi, quy mô, tuyển sinh và ngôn ngữ giảng dạy trong liên kết đào tạo được quy định tại Điều 16. Tại Khoản 1 cho rằng cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trong phạm vi ngành và trình độ đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thực hiện và công nhận. Căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện và đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý mà được phê duyệt quy mô đào tạo phù hợp tại Điều 22 của Nghị định này. Đối tượng tuyển sinh vào học tại các chương trình liên kết phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và có trình độ ngoại ngữ tối thiểu Bậc 3 theo Khung 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngôn ngữ sử dụng trong đào tạo liên kết cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài bắt buộc phải dạy sử dụng ngoại ngữ không thông qua phiên dịch; nếu cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam có thể giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch.

Điều 17. Chương trình đào tạo có lưu ý chương trình đào tạo thực hiện theo chương trình của nước ngoài (đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục) hoặc do hai bên cùng xây dựng. Nội dung của chương trình đào tạo không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các trình độ đào tạo. Đặc biệt, chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giảng viên được nêu ra trong Điều 18 và Điều 19 của Nghị định: cơ sở vật chất và trang thiết bị phải phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo; trình độ giảng viên tối thiểu phải từ thạc sĩ trở lên và phải có kinh nghiệm giảng dạy trong cùng lĩnh vực; đối với giảng viên là người bản ngữ dạy kỹ năng ngoại ngữ chỉ cần có bằng đại học trở lên và có chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

Về văn bằng, chứng chỉ; tại Điều 20 quy định: nếu do cơ sở giáo dục Việt Nam cấp cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam; do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Đáng chú ý, tại Điều 11 đối với liên kết chương trình giáo dục và Điều 24 đối với liên kết chương trình đào tạo; thời hạn liên kết không quá 05 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm; điều kiện để gia hạn hoặc điều chỉnh liên kết giáo dục phải được thực hiện trong thời hạn 06 tháng trước khi liên kết giáo dục hết thời hạn hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.

Tại Điều 14 và Điều 27 của 2 hình thức liên kết, hàng năm, các bên tham gia liên kết có trách nhiệm phải gửi báo cáo việc thực hiện liên kết theo từng năm học về Sở Giáo dục & Đào tạo/ Bộ Giáo dục & Đào tạo trước ngày 30 tháng 11; việc thực hiện báo cáo này được thực hiện bằng hình thức trực tuyến và văn bản. Ngoài ra, các bên liên kết có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin đã cung cấp cũng như giá trị pháp lý về các văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học./.
                                                                                                Phòng BĐCL&KT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây